“Khi một bực kỳ tài từ trần, như Pasteur ở cuối thế kỷ trước và Einstein gần đây, riêng cái giới của bực kỳ tài đó xót xa, còn những người khác chỉ có cảm tưởng như thấy một vì sao đổi ngôi trên trời. Nếu người có kỳ tài thuộc vào hạng Nã Phá Luân, chỉ hăm hở chinh phục đất đai, thì khi chết đi, nhân loại đã chẳng buồn tiếc mà còn reo hò là khác. Nhưng khi một vị đại đức vĩnh biệt thì chúng ta sững sờ, điếng lặng như cha hay thầy của ta mất vậy”.
Muốn ca ngợi đến một bậc kỳ tài, người ta hay so sánh với những người có tài khác để khiến mọi người lưu ý hơn. Đây cũng vậy tác giả muốn giới thiệu Thánh GANDHI thì nhắc đến Pasteur, Einstein và Nã Phá Luân.
“Tôi chắc bạn đã được nghe ông cha ta kể lại những hành động dã man của tụi “bạch quỷ” khi chúng xâm chiếm nước ta thế kỷ trước, rồi lại được tai nghe những lời khinh mạn của D’Argenlieu, mắt thấy những vụ tàn sát của đội viễn chinh Pháp hồi mười năm gần đây mà lòng tôi sùng sục lên, chỉ ân hận không diệt được quân thù, và tự hỏi không hiểu tại sao Gandhi lại gàn đến nổi chủ trương thuyết bất bạo động đối với một hạng người chỉ biết dùng súng đạn để “nói chuyện”. Vâng, quả thật nhiều lần tôi đã phải bực mình về ông”.
Chính đối với kẻ thù của dân của nước chúng luôn luôn dùng súng đạn giết hại dân Ấn, thế mà Gandhi lại không thù hận trả đủa bằng sự chết chóc mà lại chủ trương thuyết bất bạo động, thà chúng giết mình mà mình không giết chúng. Gandhi có cái nhìn YÊU THƯƠNG đối với kẻ giặc. Nhờ đó sau này người ta hiểu ông mới gọi ông là Thánh Gandhi.
“Vậy mà đầu năm 1948, khi hay tin Gandhi mất tôi cũng bùi ngùi, thẫn thờ một hồi lâu. Một người đức cao cả như vậy, thương yêu cả đến những kẻ thù thâm độc nhất của mình, mà bị một kẻ đồng chủng và đồng đạo giết thì còn đâu là đạo Trời nữa?
Chắc bạn còn nhớ trường hợp ra sao chứ? Thánh mới đàm đạo với ông Patel, phó thủ tướng tân Ấn Độ, rồi khoan thai lại nơi cầu nguyện. Một đám đông tín đồ đã đợi sẵn ở đàn tràng. Thấy Thánh bước tới, nhiều người tiến lại để lạy, phủ phục dưới chân Thánh. Thánh chấp tay lên ngực đáp lễ mọi người. Ngay lúc đó một kẻ tiến ra, khi còn cách Thánh hai bước. Rút súng sáu bắn Thánh luôn ba phát. Sau khi tiếng nổ thứ ba, Thánh ngã gục xuống. Người ta khiêng Thánh vào trong tẩm thất. Mười phút sau Thánh tắt thở”.
Tạo sao Thánh Gandhi lại bị ám sát? Người ám sát Thánh Gandhi có phải là kẻ thù của Thánh Gandhi không?
Không, đó không phải kẻ thù của Thánh Gandhi mà là một nhóm người nông nổi chưa hiểu thuyết bất bạo động của Gandhi. Thuyết bất bạo động của Gandhi không phải là sợ giặc, không phải là đầu hàng giặc, không phải đương đầu chống giặc bằng súng đạn, gươm đao hay bằng cách biểu tình đòi yêu sách này yêu sách khác. Thuyết bất bạo động của Thánh Gandhi là mang LÒNG YÊU THƯƠNG đến với mọi người trong đó có quân thù đang xâm chiếm đất nước ông.
Do hiểu lầm thuyết bất bạo động của Thánh Gandhi họ cho ông đầu hàng giặc nên nhóm người này căm thù tức giận kẻ thù xâm chiếm đất nước và tàn sát nhân dân Ấn một cách dã man nên mới ám sát ông.
“Tín đồ nam nữ khóc vang lên. Thủ tướng Nehru lại gục đầu vào thây Thánh mà khóc. Dân chúng tụ hợp lại đòi được chiêm ngưỡng dung nhan Thánh lần chót. Ba triệu rưỡi người dự đám thiêu hóa của Thánh. Khi ngọn lửa đầu tiên bốc lên ở hỏa đàn, cả một biển người rung động ủ rũ như chịu một sức đè nặng nề có tiếng nức nở trong đám đông.
Hay tin, Thánh mất cả thế giới thương tiếc.
Chính khách pháp Léon Blum viết: “Tôi chưa bao giờ được gặp Gandhi. Tôi không biết ngôn ngữ của người. Tôi chưa bao giờ đặt chân lên xứ sở người, vậy mà tôi thấy buồn thảm như mất một người thân vậy. Khắp thế giới đau khổ vì cái chết của bậc kỳ nhân đó”.
Stafford Cripps, một chính khách Anh tuyên bố: “Cổ kim tôi chưa thấy người nào đã chứng thực được một cách mạnh mẽ, minh xác như vậy rằng tinh thần thắng vật chất”.
Nhà bác học Albert Einstein cũng nói: “Thánh Gandhi chứng tỏ rằng người ta có thể chế ngự được trăm triệu sinh linh không phải bằng những lời hứa hão huyền, nhưng mánh khoé xảo duyệt, mà chỉ bằng tấm gương sáng của một đời thanh cao, trong sạch”.
Và đại tướng George C.Marshall bảo Thánh là “phát ngôn viên cho lương tâm nhân loại”.
Trên ba ngàn điện tín của các tổng thống, các vua chúa, các giáo chủ các đoàn thể, các hội viên khắp thế giới gởi tới Ấn Độ để điếu: “Người bạn của những kẻ nghèo nhất”. Liên hiệp quốc rủ cờ tang.”
LÒNG YÊU THƯƠNG của Thánh Gandhi đã mang đến cho mọi người, nên khi hay tin ông mất cả thế giới đều buồn thương để tang cho ông.
“Mạnh Tử có lần bảo rằng ai cũng thành Nghiêu, Thuấn được. Đọc tiểu sử Gandhi tôi mới thấy lời đó không phải là hoàn toàn vô lý.”
Một con người biết YÊU THƯƠNG, lấy LÒNG YÊU THƯƠNG xóa nhòa hận thù, cho nên được tin Ngài mất cả thế giới buồn thương tang tóc là phải. Cuộc đời của Thánh Gandhi đấu tranh cho sự tự do bình đẳng bằng LÒNG YÊU THƯƠNG, đem LÒNG YÊU THƯƠNG đến với mọi người không phân biệt người thân hay kẻ thù, vì thế mọi người kính trọng Gandhi như là một bậc Thánh.
“Hồi nhỏ Gandhi là một thanh niên rất tầm thường, tầm thường quá nữa, không ai ngờ rằng sau lại thành một vĩ nhân. Ông sinh ngày mồng hai tháng mười năm 1869, tại Porbandar, một tiểu bang ở bờ biển phía Tây Ấn độ. Giữa khoảng từ Bombay tới Karachi tổ phụ ông thuộc giai cấp thương nhân được tiểu vương xứ Porbandar mời làm thủ tướng. Thân phụ ông được thừa hưởng chức đó, tuy giàu sang nhưng phóng túng, khi chết gia sản gần hết nhẵn, tính tình nhút nhát, có hồi ham hút thuốc lá, ăn cắp tiền nhà để mua thuốc lá; có hồi bạn rũ rê, đi tìm thú vui nhục dục. Mười bốn tuổi cưới một cô mới mười ba, tính hay ghen cấm đoán vợ, vợ không phục hai vợ chồng gây lộn nhau rất thường.
Năm 1888 qua Anh học về luật, ba năm sau thi đậu về nước. Trong thời kỳ du học, chẳng giao thiệp với ai, mà hình như ngoài môn luật ra, chẳng thâu thái được chút gì của văn minh Âu Tây.
Ở Anh về, ông làm Thầy kiện nhưng ấp úng nói không ra lời, nên mỗi lần ra toà chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Mà cái tánh hay ghen vợ vẫn không bỏ, có lần đuổi vợ về nhà bố mẹ đẻ. Suốt ngày chẳng biết làm gì chỉ nô đùa với con nít. Con người như vậy thì ai chẳng bảo rằng sẽ kéo dài một cuộc đời vô vị và vô ích cho tới khi chết?”.
Thánh Gandhi cũng là những con người tầm thường như bao nhiêu người khác, ông không làm việc gì gọi là xuất sắc hơn người. Nhưng thời thế tạo anh hùng, một khúc quanh của cuộc đời đã biến ông trở thành một bậc Thánh.
“Vậy mà chỉ nhờ hai việc xảy ra trong hai năm, tâm hồn ông thay đổi hẳn.
Việc thứ nhất: “Một hôm một người anh ruột ông tên là Laxmidas biết ông quen một viên quan cai trị Anh từ khi ông còn học ở Luân Đôn, nhờ ông lại đút lót với viên đó để được đề cử làm bộ trưởng ở Porbandar. Ông uất ức, căm gan, từ đó ghê tởm những kẻ luồn cúi người Anh”.
Việc thứ hai: “Sau chuyện đó ông qua Nam Phi biện hộ một vụ kiện. Tới Nam Phi, ông đi xe lửa đến Perétoria, xứ Transvaal để tới toà. Ông có vé xe lửa hạng nhất. Tới nữa đường ở Maritzbourg, nhân viên xe lửa đuổi ông xuống hạng ba để nhường chỗ cho một người da trắng. Ông phản kháng thì một viên cảnh sát tống ông xuống sân ga. Đêm đó ông ngồi trong ga, rét run cầm cập mà suy nghĩ về sự dã man của người Anh và quyết chí tranh đấu”.
Từ một người Ấn bình thường như bao nhiêu người Ấn khác, nhưng có hai sự việc bất bình đã biến ông trở thành một vị Thánh sau này:
- Một là thấy người Ấn luồn cúi xin xỏ người Anh để làm tay sai cho giặc.
- Hai là thấy người dân Ấn bị người Anh hiếp đáp tàn nhẫn, bóc lột coi rẻ dân Ấn toàn là “cu li”.
“Hồi đó ở Nam Phi có hàng vạn người Ấn qua làm ăn. Họ giỏi giang, cần kiệm nhưng bị người da trắng hiếp đáp tàn nhẫn. Bất kỳ người Ấn nào cũng bị người Anh gọi là “cu li”, giáo sư, y sĩ, luật sư Ấn đều là cu li hết ráo, có nơi người Ấn không được đi trên vĩa hè, phải đi ở giữa đường, xe cán chết cũng mặc. Chính Gandhi có lần đi trên hè bị đá đích, tống xuống đường, người Ấn nào cũng uất ức, nhưng chưa có ai cầm đầu. Sau vụ Maritzbourg, Gandhi diễn thuyết ở Prétoria hô hào đồng bào sát cánh nhau để tranh đấu. Năm đó ông hai lăm tuổi. Cuộc đời ông đã chuyển hướng. Ông hoạt động ráo riết để phản kháng sự phân biệt màu da: Viết báo diễn thuyết (lúc này ông đã là nhà hùng biện rồi, chứ không ấp úng như trước), phát sách. Danh ông bắt đầu nổi lên và người Anh bắt đầu ghét ông”.
Thấy những điều nhục nhã của dân tộc Ấn, ông viết sách nói rõ hành vi hành hạ của người Anh đối với người Ấn, khiến cho người Ấn căm thù người Anh và ông còn đứng lên lãnh đạo hô hào kêu gọi toàn dân Ấn đoàn kết chống sự hiếp đáp của người Anh. Bây giờ ông trở thành một vị lãnh tụ của nhân dân Ấn.
“Năm 1896, ông về Ấn nghỉ 6 tháng soạn, một cuốn sách tả những người Anh hành hạ người Ấn ở Nam Phi, xuất bản một vạn bản, làm cho dư luận sôi nổi. Rồi ông tổ chức cuộc mít tinh ở Bombay để ủng hộ phong trào tranh đấu của người Ấn ở Nam Phi.
Vì những hành động đó, khi ông trở qua Nam Phi người da trắng đón đánh ông, đòi giết ông. Nếu sở cảnh sát không can thiệp thì chắc ông bị chúng treo cổ lên cây rồi.
Lần này ông đem cả vợ con qua Nam Phi ở, định chiến đấu cho tới khi thành công mới về xứ. Và ông ở luôn đó cho tới đầu đại chiến thứ nhất, chỉ lâu lâu về thăm quê ít tháng.
Văn phòng luật sư của ông rất phát đạt nhưng kiếm được bao nhiêu tiền, ông đem giúp phong trào hết cả. Ông hai lần qua Anh vận động với các chính khách Luân Đôn, rồi lập một khung trại rộng một ngàn mẫu ở Lawley cho đồng bào cày cấy, trồng trọt và sống tập thể; mọi người làm lấy bánh để ăn, đan lấy dép để đi, đóng lấy đồ đạc để dùng, may lấy quần áo để mặc”.
Cách thức tổ chức của ông giúp nhân dân Ấn tự túc làm lấy tất cả vật dụng mà không cần dùng vật dụng của người Anh. Mục đích đấu tranh bất bạo động của ông là bài hàng ngoại xử dụng hàng nội, toàn dân Ấn không mua hàng hóa của người Anh.
“Ông lại tổ chức những cuộc phản kháng, đình công lớn lao để chống những đạo luật dã man của người Anh bắt các kiều dân Ấn ở Transvaal bất kỳ trai gái, cứ 8 tuổi trở lên phải có một tấm giấy căn cước, phải để cho cảnh sát khám xét nhà cửa, cả đàn bà và con gái; bắt người Ấn phải cử hành đám cưới theo lễ giáo Âu. Chính phủ bắt giam ông. Dư luận sôi nổi hơn, phong trào càng lan rộng; năm vạn thợ đình công, khám đường không đủ chỗ để giam. Luân Đôn xôn xao, rốt cuộc nhà cầm quyền Nam Phi phải thả ông và thuyết lập một ủy ban điều tra.
Ở khám ra, ông phản kháng ủy ban điều tra do các trưởng Botha và Smuts chỉ định vì hai người này không có cảm tình với người Ấn, Ông lại tổ chức một cuộc mít tinh ở Durban hô hào đồng chí tiếp tục tranh đấu, tự nguyện vào tù”.
Cuộc đấu tranh bất bạo động của ông kêu gọi toàn dân Ấn tự nguyện vào tù để đấu tranh chống sự áp bức của người Anh.
“Lúc đó nhân viên Hoả xa cũng lại đình công. Nhà cầm quyền Nam Phi bối rối. Ông đã không thèm lợi dụng tình thế đó để yêu sách thêm mà còn có một hành động rất cao thương là hạ lệnh bãi bỏ cuộc “tự động vào tù” đã định trước để cho nhà cầm quyền dễ xử”.
Cuộc đấu tranh “Tự nguyện vào tù” của ông được mọi người ủng hộ ông đã giành thắng lợi thì ông lại hạ lệnh bãi bỏ khiến cho người Anh không khó xử nên ông được thế giới khâm phục.
“Thái độ đó làm dư luận thế giới rất khâm phục. Tướng Smuts thấy vậy cảm mến ông và giữa năm 1914 ông và hai bên thoả thuận với nhau được. Chính phủ Nam Phi phải chấp nhận :
Một là bãi bỏ đạo luật về hôn nhân, và nhận rằng hôn nhân theo lễ Ấn, Hồi đều hợp pháp.
Hai là bãi bỏ số thuế thường niên đánh vào những người Ấn mãn hạn giao kèo mà muốn ở lại Nam Phi làm ăn.
Ba là nhận cho người Ấn ở Nam phi được tự do vào xứ Le Cap.
Cuộc tranh đấu thành công, Gandhi qua Anh rồi về Ấn. Trước khi đi, ông tặng kẻ địch của ông là tướng Smuts một đôi dép chính tay ông bện khi ngồi khám, Smuts trân trọng giữ kỷ niệm đó, sau này viết:
“Tôi mang đôi dép ấy đã mấy chục năm mà vẫn băn khoăn không biết mình có xứng đáng được xỏ chân vào dép của bực vĩ nhân hiền triết đó không (…) những người như Thánh Gandhi đã chuộc những lỗi lầm tì tiện của chúng ta, và luôn luôn nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên làm điều thiện”. Nhân loại được bao nhiêu người làm cho kẻ địch được khâm phục tới như vậy?”
Vừa đấu tranh vừa nhân nhượng, lúc nào ông cũng lấy LÒNG YÊU THƯƠNG đối với kẻ thù, vì thế kẻ thù lúc nào cũng xem ông là một người bạn tốt.
“Ông đặt chân lên đất Anh thì đại chiến thứ nhất bùng nổ được hai ngày. Đầu năm 1915, ông về Ấn, xuất bản cuốn Hind Swarai trong đó có đoạn ông nói rằng người Ấn bị người Anh cai trị là tại người Ấn ham những tiện lợi và nền văn minh máy móc mà người Anh đem lại ham lợi mà buôn bán với họ, rồi tranh dành cải cọ nhau để họ lợi dụng sự chia sẽ đó”.
Ông Gandhi nói rất đúng, một nước khác đến cai trị nước mình chính những người dân trong nước mình ham mê danh làm ông này, bà kia và những vật chất của nước ngoài như máy móc xe cộ nên mới bị người nước ngoài cai trị.
Trong thời Pháp cai trị đất nước chúng ta cũng vậy, người nào được học trường Tây vào dân Tây là hãnh diện nhất. Đó là những người bán nước cho giặc, làm tay sai cho giặc mà không biết, còn lấy làm hãnh diện, thật là nhục nhã.
“Ông lựa một khu đất trên bờ sông Sabarmeti, một nơi ẩm thấp, bùn lầy của đám dân nghèo khổ ngoại ô thành phố Ahmédabad, cất một căn nhà nhỏ làm nơi luyện tinh thần và truyền giáo. Ông sống một đời khổ hạnh như một nhà tu hành. Phòng chật hẹp như một buồng giam: ngày nắng như thiêu thì ông khiêng bàn ra giữa trời làm việc; đêm lạnh như cắt, ông cũng ngủ ở giữa trời. Ông đã bỏ nghề luật sư và sống xa bà vợ, ngoài những giờ đọc kinh Ghita, ông diễn thuyết hô hào đồng bào giải phóng tổ quốc. Ông chỉ ăn trái cây và uống sữa dê. Chỉ bận một chiếc phá bằng vải trắng, mình để trần”.
Dù ông là một nhà đại cách mạng đấu tranh đem lại quyền lợi cho dân tộc Ấn, nhưng ông không quên mình là một nhà tu hành theo Ấn Giáo nên lối sống của ông rất đơn giản xa lìa những cám dỗ của cuộc đời.
“Ông chủ trương rằng phong trào giải phóng phải khởi từ nơi thôn dã, nghĩa là phải đào luyện tri thức cả tinh thần của dân quê trước hết và dạy cho họ đoàn kết với nhau.
Đoàn kết dân tộc Ấn độ, việc đó mới khó khăn làm sao! Về chính trị, xứ đó chia thành hàng trăm tiểu bang, tuy cũng thuộc quyền cai trị của người Anh mà mỗi tiểu bang có một chế độ khác nhau.
Về tôn giáo thì cũng có cả chục tôn giáo mà hai tôn giáo lớn là đạo Bà La Môn và đạo Hồi thì chống nhau kịch liệt.
Về xã hội cũng chia làm nhiều giai cấp: bọn quý phái sống truy lạc trong cung điện, hết đi săn bắn thì thưởng thanh sắc; bọn tu hành Bà La Môn tuy không có quyền hành nhưng uy thế rất mạnh; dưới nữa là hạng thương nhân, công nhân và nông dân; sau cùng là hạng tiện dân.
Khắp thế giới, từ cổ đến kim, không có hạng dân nào lại bị khinh bỏ như hạng tiện dân đó. Họ đông tới sáu chục triệu người, và người Âu gọi họ là hạng “không ai dám chạm tới” (intouchable). Bạn thử tưởng tượng bạn sinh ở Ấn Độ. Và hai ngàn năm trước tổ tiên bạn ở giai cấp tiện dân, thì ngày nay bạn cũng phải là một tiện dân, bị coi là dơ dáy từ tâm hồn đến thể xác. Bạn không có quyền được múc nước giếng trong làng; có khát thì ra ngoài rãnh, ngoài mương, vốc nước lên mà uống. Bạn không có quyền được vô một tiệm nào; muốn mua gì thì đứng ở ngoài đường rồi chủ tiệm liệng đồ ra cho. Bạn không được vô chùa của các giai cấp khác, không được vô trường học, mà cũng không được vô toà án nữa. Trong làng, bạn phải ở tại một khu riêng biệt, tất nhiên là bẩn thỉu nhất. Trong châu thành, khu tiện dân của bạn phải có tường cao bao kín bốn bề để khỏi lây qua những khu khác. Một người Ấn nào lỡ chạm phải bạn thì họ khạc, nhổ, về nhà tắm rửa ngay, chay tịnh và làm lễ tẩy uế. Chỉ chạm vào cái bóng của bạn họ cũng thấy nhơ nhớp nữa, cho nên có những con đường bạn không có quyền được đi. Và nếu bóng của bạn in lên một chén cơm của họ thì họ đỗ chén cơm đó đi liền.
Đó tình cảnh chia rẽ của Ấn Độ về chính trị, tôn giáo xã hội như vậy. Lại thêm người Anh dùng chính sách hiểm độc “chia để trị” luôn luôn tìm cách tưới dầu thêm vào cho sự phân chia bùng lên nữa. Hiểu như vậy rồi. Bạn mới thấy công việc của Gandhi khó khăn làm sao.
Tháng năm năm 1918 ông bắt đầu đả đảo tinh thần phân chia giai cấp và bênh vực hạng tiện dân. Nhà ông là nơi diễn thuyết, nơi tụ hợp của hạng trí thức, quyền thế. Vậy mà ông cho một gia đình tiện dân đến trú ngụ. Người ta nhao nhao lên phản đối. Nhiều phú thương Ấn trợ cấp cho ông, họ không gửi tiền nữa. Khi hết tiền đồ đệ ông hỏi ông phải làm sao? Ông đáp:
Thì Thầy trò mình vào sống chung với những người tiện dân, chứ sao?
Chính bà vợ cũng phản đối ông, nhưng ông thuyết phục được.
Ít lâu sau ông nhận con một người tiện dân làm con nuôi, gọi những người tiện dân là “những con cưng của Thượng Đế”. Ông thường cầu trời kiếp sau được tái sanh làm tiện dân để chia sẽ nổi buồn tủi của hạng người chịu sự bất công do thành kiến xã hội đó. Có lần nghe những lời chỉ trích của bọn thiển cận, ông bực mình thốt: “Nếu quả thực tôn giáo chúng ta bắt chúng phải coi hạng tiện dân, đồng bào của chúng ta, nhưng súc vật, thì tôi xin ruồng bỏ đạo tôi”. Nhưng đại đa số quần chúng đều cảm phục tâm hồn cao thượng của ông. Ông đi tới đâu người ta cũng bu lại, xin ông ban phước, xin được hôn chân ông. Có kẻ nằm rạp xuống đất, hôn vết chân trên cát. Và danh từ MaHa mà thi hào Rabindranath Tagore - người được giải thưởng Nobel về văn thơ năm 1913 - đã tặng ông đầu tiên, nay được toàn thể dân Ấn dùng, rồi sao này được khắp thế giới dùng. Thế là từ hồi Đức Thích Ca đắc đạo đến nay nhân loại được thêm một vị thánh sống nữa, và cả hai đều sinh ở xứ Ấn Độ huyền bí!”.
Chính Gandhi đã hiểu sự phân chia nhiều giai cấp ở nước ông như vậy nên muốn phá tan những giai cấp trong nước thì ông chọn một giai cấp mà số người nhiều nhất đó là giai cấp hạ tiện cùng đinh. Ông thực hiện LÒNG YÊU THƯƠNG đến giai cấp này bằng cách ông sống với họ, chia sẻ với họ nhờ đó ông kêu gọi họ đoàn kết và không sợ một giai cấp nào trong xã hội. Chính vì LÒNG YÊU THƯƠNG chân thật của ông mà họ sẵn sàng sát cánh bên ông và có thể chết vì ông. Sống giữa giai cấp này ông còn cầu cho kiếp sau mình sẽ sinh vào những nhà người dân hạ tiện để chia xẻ với họ những điều bất công của xã hội.
“Đầu năm 1917 ông thành công trong một vụ chiến đấu nữa. Những chủ điền Anh ở Champaran, một miền nằm dưới chân núi Hymalaya, ức hiếp tá điền, bắt họ trồng chàm, rồi tới khi chàm mất giá, bảo họ thôi đừng trồng nữa, lại bắt họ bồi thường để bù vào số chàm thôi không trồng. Họ nhờ luật sư bênh vực họ, nhưng vô hiệu. Ông tiếp xúc với các luật sư nầy bảo: “Toà không phân xử được việc này đâu. Dân quê bị ức hiếp đe dọa đến nổi sợ người Anh như vậy thì toà án làm sao bênh vực họ trước cường quyền được? Phải làm cho họ hết sợ hãi đã”. Và ông vào hàng xóm điều tra. Xin yết kiến ủy viên Anh. Viên này chửi rửa ông, hạ lệnh đuổi ông ra khỏi miền, ông không tuân lệnh, tiếp tục thăm dò dư luận, quan sát tình hình. Người Anh bỏ tù ông. Tức thì dân quê mọi nơi hẻo lánh kéo nhau tới Motihara, chật cả châu thành; lòng công phẫn sôi nổi, người nào cũng nghiến răng, vỗ ngực, đòi thả ông, người mà họ chưa biết mặt, mới chỉ nghe tên là một vị Thánh nhân lặn lội từ xa lại để bênh vực họ. Họ hết sợ người Anh, đã trở thành con người hiên ngang, và đúng như Gandhi đã nói, một khi họ đã cương cường không chịu khất, thì vấn đề đã giải quyết xong. Đồng thời ông hô hào các luật sư theo một chương trình họat động, mục đích để làm cho nhà cầm quyền tống mình vào khám. Nhà cầm quyền thấy vậy phải lùi bước, bắt tá điền Anh hoàn lại số tiền họ đã thu một cách bất công của bọn tá điền Ấn”.
Ông đem LÒNG YÊU THƯƠNG đến với dân chúng ở miền Champaran để đấu tranh đòi quyền công bằng, khi ông bị bắt ở tù thì những người dân ở đây nổi dậy chống lại chánh quyền đòi thả ông ra và phải thực hiện bồi hoàn số tiền cho tá điền. Nhờ LÒNG YÊU THƯƠNG của nhân dân ở đây đối với ông nên họ không còn sợ hãi tù tội của người Anh, mạnh dạn xuống đường biểu tình chống đối chánh quyền thuộc địa Anh.
Bởi vậy LÒNG YÊU THƯƠNG là một sức mạnh phi thường, xem pháp luật cai trị của người Anh như tấm giấy lộn, không còn giá trị gì cả. Từ khi có Gandhi về đây kêu gọi họ đoàn kết biết THƯƠNG YÊU nhau thì tù tội và sự đàn áp của người Anh không còn có nghĩa gì cả.
“Sau vụ đó ông tuyên bố: “người Anh không thể nào hạ lệnh mà bắt được người Ấn phải tuân theo. Cá nhân được giải phóng thì quốc gia sẽ được giải phóng. Nếu cả trăm triệu người không sợ, không tham gia thì những đạo luật của người Anh có long trọng ban hành ra, cũng chỉ là một mớ giấy lộn”.
Đúng vậy, cá nhân được giải phóng thì quốc gia sẽ được giải phóng. Một cá nhân không sợ tù tội của giặc thì pháp luật có đặt ra cũng không còn có nghĩa lý gì và như vậy giặc không còn cai trị được ai. Cho nên pháp luật đặt ra là để cho toàn dân phải thông suốt, Toàn dân có sự thông suốt là phải lấy ý kiến của toàn dân đóng góp, chớ không phải quý vị ngồi trên trên rồi vẽ pháp luật rồi bắt dân phải tuân theo.
Pháp luật được đặt ra là vì bảo vệ quyền sống của nhân dân, bảo vệ nền độc lập, tự do, dân chủ chung cho cả nước. Vì thế dân phải hiểu, phải bàn, phải kiểm tra. Cho nên, thấy được dân Ấn không sợ tù tội của thực dân Anh, nên Gandhi bảo: “Cá nhân được giải phóng thì quốc gia sẽ được giải phóng nếu cả trăm triệu người không sợ…”.
“Lời tuyên bố đó cho ta thấy ông là nhà cách mạng ôn hoà. Sau vụ ông xuýt bị người Anh ở Nam Phi giết (vụ Durban) mà ông cũng không oán họ. Chính giáo sư Thompson ở đại học đường Oxford cũng phải nhận:
“Lẽ ra Gandhi thì phải thù oán người da trắng đến mãn đời. Nhưng ông đã tha thứ cho những kẻ một mực đòi treo cổ ông lên cây”.
Chẳng những ông tha thứ, mà khi đại chiến thứ nhất bùng nổ, ông còn buồn cho người Anh nữa, vì ông hô hào người Ấn giúp tiền cho người Ấn đi lính cho Anh. Tôi đã đọc một truyện kể một vị Phật nào đó ở Ấn Độ thấy một con cọp cái đói, không có sữa nuôi đàn con, mà nhủ lòng thương hại, từ trên cao gieo mình xuống trước hang cọp, để làm mồi cho cọp. Lòng nhân từ của Gandhi có thế ví với lòng nhân của vị Phật đó được”.
Giúp cho kẻ thù mà kẻ thù không biết ơn, ông chẳng trách mà còn tha thứ cho thực dân Anh. Thật là LÒNG YÊU THƯƠNG của ông rộng lớn vô cùng.
“Mà chính phủ Anh y như loại cọp không hiểu được lòng hy sinh đó. Cũng như thực dân Pháp, thực dân Anh trong cơn nguy, hứa chiến tranh dứt thì cho người Ấn dự vào mọi ngành cai trị và hưởng những thực hiện dân chủ để lần lần đi tới sự tự trị. Tiếng súng mới im, họ nuốt ngay lời hứa, đã chẳng nới rộng cho dân Ấn mà còn thắt chặt hơn, thẳng tay đàn áp một cách vô cùng dã man”.
Đối với người Anh xem uy tín như đất cát, nên nuốt lời nên giá trị lời hứa của thực dân Anh lúc bấy giờ không còn ai tin tưởng, nhưng không vì thế mà Gandhi ghét giận họ mà lại chính Gandhi lại tha thứ cho họ. Bởi Gandhi đem LÒNG YÊU THƯƠNG đến với kẻ thù nên lúc nào cũng tha thứ vì thế ông mới được người đời gọi là THÁNH.
Con người ta dễ quên ân nghĩa khi lâm nguy người ta giúp mình thoát nguy khốn thì hứa đủ điều, nhưng khi thoát khỏi nguy khốn thì đối xử không ra gì. Người Ấn đi lính đánh giặc giúp cho người Anh, khi hòa bình trở lại thì người Anh đối xử người Ấn rất tồi tệ.
“Họ bắt giam các nhà ái quốc Ấn, xử kín các chính trị phạm, đóng cửa báo chí, thiết lập chế độ kiểm duyệt, hạn chế các quyền tự do căn bản. Người Ấn phẩn uất, hướng cả về Gandhi chờ một mệnh lệnh; tức thì ông ra lệnh tổng bãi thị, tổng bãi công trong toàn cõi.
Bản ý ông là phản kháng quyết liệt trong vòng trật tự. Nhưng vì ông không dự bị, huấn luyện quần chúng trước nên ở nhiều nơi, xảy ra những cuộc đỗ máu. Ông rất đau xót, biết như vậy tất thất bại và loạn sẽ nổi.
Tháng 4 năm 1919 ở Pundjab. Nhiều người Anh bị dân chúng đánh giết. Chính phủ Pundjab hạ lệnh cho thiếu tướng Edwrad Harry Dyer đàn áp.
Hay tin dân chúng làm mít tinh ở công trường Yallianoualla Bag trên một bãi đất bỏ hoang bốn bề là tường cao, chỉ thông ra ngoài do một vài ngõ hẻm y đem lính và xe thiết giáp tới chặn hết các lối ra rồi chẳng hạ lịnh giải tán gì cả, xua hết dân chúng vào chỗ đất trũng. cho xả súng bắn vào. Kết quả là trên một ngàn rưỡi người Ấn vừa chết vừa bị thương.
Chưa hết. Mấy hôm sau, muốn báo thù một người Anh bị giết, y cho vây hết các đường chung quanh bắt mọi người Ấn, hễ đi qua đường đó phải bò như chó, sau cùng bắt người Ấn nào hễ gặp một viên võ quan Anh ở đâu mà không xuống xe, hạ mũ cụp dù lại thì sẽ bị trói vào cột, quất bằng roi da trước công chúng. Tôi đã ví thực dân Anh với cọp. Không, Cọp không đê tiện như vậy. Mà chó thì không tàn nhẫn như vậy”.
Một nước nào đi xâm chiếm và cai trị một đất nước khác họ xem dân nước đó hơn loài súc vật, họ muốn đánh muốn giết người dân bản xứ lúc nào cũng được. Thật là tàn nhẫn, họ là những người mất nhân tính, chỉ là một ác thú.
“Trước thái độ bỉ ổi đó của người Anh, Gandhi tìm một phương pháp tranh đấu mà không làm cho người Anh vin vào cớ gì để giết dân vô tội được. Ông nghĩ ra phương pháp bất hợp tác.
Thực ra phương pháp đó ông đã nghĩ tới mười hai năm trước, năm 1907 hồi ông còn ở Nam Phi. Hồi đó có lần nằm trong khám, ông được đọc cuốn bất tuân chánh quyền (Civil Disobedience) của Henry David Thoreau. Thoreau là một người Huê kỳ, sanh năm 1817 bất mãn chính phủ vì chiến tranh với Mễ Tây Cơ, nhất là vì chế độ nô lệ, cất một cái chòi ở Walden Pond, trồng lúa rau khoai, đậu lấy mà ăn, và không chịu đóng thuế cho chính phủ, nên bị nhốt khám.
Trong cuốn “Bất tuân chánh quyền”, ông chủ trương rằng quốc gia tồn tại vì cá nhân chứ không phải cá nhân vì quốc gia. Thiểu số phải chống lại với đa số nếu đa số không hành động theo những quy tắc luận lý. Quốc dân có thể chống lại chính phủ bằng cách bất tuân lệnh chính phủ không đóng thuế, không đi lính.
Cuốn đó đã để lại một ấn tượng sâu xa trong tâm hồn Gandhi và ông dịch ra nhiều đoạn đăng trong báo Ngôn luận Ấn Độ. bây giờ ông đem áp dụng nó vào công việc tranh đấu của ông”.
“Quốc gia tồn tại vì cá nhân chứ không phải cá nhân vì quốc gia”, lời dạy này rất tuyệt vời. Một quốc gia có tồn tại là vì mỗi công dân có am tường pháp luật của quốc gia mà pháp luật của quốc gia là do dân hiểu, dân bàn, dân kiểm tra nên pháp luật quốc gia luôn luôn bảo vệ quyền sống của nhân dân, do đó quốc gia có tồn tại là vì nhân dân.
Năm 1920 ông được bầu làm chủ tịch phong trào vận động tự trị, rồi trở thành người cầm đầu Đảng Quốc Hội.
Người Anh không ngờ rằng vụ tàn sát ở Yallianoulla càng làm cho dân Ấn xô đẩy nhau theo ông, người tượng trưng cho tinh thần Ấn.
Ông hô hào đồng bào bất hợp tác với người Anh mọi phương diện: tẩy chay hàng hóa của Anh, tẩy chay học đường của Anh, không làm công chức cho Anh, không buôn bán cho Anh, không đóng thuế cho Anh. Ông nghĩ rằng phong trào đó không có tính cách tranh đấu tích cực thì không gây sự đổ nát được. Cùng lắm là người Anh bắt bỏ khám, mà khi người ta đã coi thường danh lợi thì người ta cũng coi thường sự ngồi khám.
Ông phát động phong trào, tự nêu gương trước, trả Phó Vương Ấn Độ những huy chương mà chính phủ đã tặng ông, bỏ đồ ngoại hóa chỉ quấn một chiếc phá bằng vải thô do ông dệt lấy. Vai vác bị, không nón, không dù, không dép, ông lang thang mọi nơi hang cùng ngõ hẻm, truyền nhiệt quyết và tin tưởng vào lòng mọi người. Tới đâu ông xin ăn ở đó và có khi ngồi dưới bóng cây, mở bị ra, lấy bút giấy viết bài cho tờ India và tờ Navayivan, những cơ quan truyền bá tư tưởng của ông”.
Vì thương dân yêu nước ông phát động phong trào bất hợp tác với người Anh bỏ hết tất cả những đồ xa xỉ của ngoại quốc, ông chỉ còn ăn mặc như một người Ấn nghèo nàn đi khắp cùng đất nước để tuyên truyền đướng lối bất hợp tác với ngoại quốc. Ông đến đâu được nhân dân hưởng ứng đến đó.
“Quốc dân hăng hái hưởng ứng, nhiều người Ấn trả văn bằng, chức sắc lại cho chính phủ Anh, nhiều luật sư đóng cửa văn phòng, không chịu biện hộ cho trong toà án Anh nữa, nhiều giáo sư bỏ trường học Anh, về thôn quê mở lớp dạy tiếng Ấn, học sinh cũng hy sinh tương lai bỏ học, về làm cán bộ tuyên truyền.
Không quản nắng mưa, ông cứ lầm lũi tiến. Đằng đẳng bảy tháng trời để dạy đồng bào cách giải thoát thân trâu ngựa của họ. Chốc chốc chuyến xe của ông phải dừng lại để cho hàng đám người leo lên mui. Chui qua cửa, nhìn mặt ông, hôn chân ông cho kỳ được. Có nơi người ta nằm ngang đường ray bắt xe lửa ngừng để người ta được chiêm ngưỡng dung nhan ông. Có hôm giữa nữa đêm tiếng bánh xe rầm rầm trên đường sắt nghe rợn người, ông tỉnh dậy thì nghe hàng vạn tiếng hoan hô ông. Ông ló đầu ra cửa tìm hiểu việc gì xảy ra, thì cả đám đông đang ồn ào bỗng im lặng, cùng quỳ xuống trước mặt ông. Đó đây có vài tiếng nức nở”.
Hành động LÒNG YÊU THƯƠNG vì dân, vì nước đã khiến tất cả dân Ấn đều mến phục, họ muốn thấy mặt ông, ôm chân và hôn để tỏ lòng ngưỡng mộ kính yêu.
“Có lần, trước một đám đông ông yêu cầu mọi người cởi bỏ âu phục để ông thiêu hủy. Chỉ trong nháy mắt, áo quần dày vớ cà vạt chất thành đống; ông châm vào đó một ngọn lửa. Ít lâu sau không ai dám bận Âu phục mà tới trước mặt ông nữa”.
LÒNG YÊU THƯƠNG của dân Ấn đối với ông thật là sâu đậm, vì thế khi ông bảo sao họ đều vâng theo làm đúng lời dạy như vậy.
“Thấy phong trào lan rộng, Chính phủ Anh tống giam ba vạn người Ấn vì tội bất hợp tác. Ông định ra lệnh bất hợp tác toàn thể ở từng vùng một thì bị nhốt khám. Ông dặn dò đồng bào cứ bình tĩnh rồi vui vẻ vào khám. Ông nói: chúng ta nên yêu cầu mở rộng khám đường để chúng ta bước vào, hân hoan như một chú rễ vén rèm bước vào buồng cưới. Khám đường chính là nơi chúng ta rèn luyện ý chí đấu tranh”.
Đúng khám đường là nơi rèn luyệt ý chí đấu tranh của người làm cách mạng. Đã là người làm cách mạng là vì thương dân, yêu nước, nên họ không bao giờ sợ vào tù ra khám. Mặc cho Chính phủ Anh tống giam ba vạn người Ấn vì tội bất hợp tác thì Gandhi kêu gọi toàn dân chấp nhận vào tù, đó là một cuộc đấu tranh bất bạo động với tay không đương đầu với súng đạn. Những hành động chấp nhận vào tù do Gandhi lãnh đạo, ấy là LÒNG YÊU THƯƠNG tổ quốc và dân tộc.
Nằm khám được ít lâu, ông bị chứng ruột dư, phải mổ. Sức khoẻ ông suy giảm. Chính phủ Anh buộc lòng phải thả ông. Ta nên nhớ lúc đó cả thế giới đã phục ông là Thánh sống. Và mấy năm sau, Romain Rolland, một văn hào pháp so sánh ông với Tolstoi viết: “Ở Gandhi, cái gì cũng là tự nhiên, khiêm tốn, giản dị, trong sạch, tất cả những chiến đấu của ông đều tỏ hào quang êm đềm của tôn giáo; còn ở Tolstoi, cái gì cũng là sự ngạo mạn, phản động của sự kiêu căng, sự thù oán, chống với sự thù oán, sự phẩn nộ, chống với phẩn nộ. Cái gì ở Tolstoi cũng là bạo động cả, cái thuyết không bạo động của ông cũng vậy”. Chính phủ Anh sợ mang tiếng làm một người được thế giới ngưỡng mộ như vậy chết trong khám, nên buộc lòng phải thả ông.
Ở khám ra, Gandhi lưu một nơi ở bờ biển gần Bombay để dưỡng sức.
Lúc đó sự tranh chấp cổ truyền giữa hai dân tộc Ấn - Hồi lại xuất hiện, mà phong trào bất hợp tác cũng xuống nhiều. Một số luật sư đã mở lại văn phòng, học sinh xin vô đại học. Một nhóm cách mạng Ấn thấy vậy, chuyển hướng tranh đấu, từ tiêu cực qua tích cực, đòi Anh phải ban hành chế độ tự trị. Muốn khỏi có sự chia rẽ, ông phải thỏa thuận với nhóm đó, nhưng sau thấy khó hợp tác với họ được, ông quyết lánh khỏi trường chính trị trong một thời gian, trở về hô hào sự đoàn kết giữa Ấn - Hồi và sự bất hợp tác với Anh .
Muốn cảm hoá các đồng bào Ấn và Hồi, ông tuyên bố nhịn đói hai mốt hôm. Lần nhịn đói đó là lần thứ nhì. Lần trước xảy ra vào hồi đại chiến thứ nhất. Ông lãnh đạo một cuộc bãi công trong các xưởng dệt ở thành Ahméda Bad để đòi tăng lương cho thợ. Sau một thời gian thợ nản chí. Nhiều kẻ đã lén lút phá rào, trở lại việc làm, ông ngại phong trào sẽ thất bại, quyết tuyệt thực để thợ giữ lời hứa, kiên nhẫn tranh đấu tới khi thắng lợi. Lần đó ông chỉ nhịn ăn ba ngày và sự xích mít giữa chủ và thợ được giải quyết xong.
Lần này sức ông đã suy ông 55 tuổi mà lại quyết nhịn ăn luôn 21 hôm. Tôi không hiểu làm sao một người gầy ốm như ông, bao nhiêu năm vất vả như vậy mà có sự chịu đựng bền bỉ đến mực đó! Trong 21 ngày ông chỉ uống nước lạnh hoặc nước muối, mà vẫn tiếp khách, vẫn viết báo! Ngày thứ 20, ông cầu nguyện thượng đế: “Hỡi đấng cao cả, xin Ngài làm cho tôi trở nên một vật hữu dụng của Ngài, cho tôi linh cảm được ý của Ngài để tìm phương châm hành động” ”.
Đối với giặc như thực dân Anh thì Gandhi thành công không mấy khó khăn, nhưng điều khó khăn nhất là nhân dân Ấn chia rẻ thì rất khó hàn gắn và hòa hợp vô cùng.
Thực dân Anh rất khôn ngoan lợi dụng Ấn - Hồi chia rẻ thì chúng tìm mọi cách chia sẻ thêm làm cho sự chia rẻ càng thêm trầm trọng.
Ba lần tuyệt thực để kêu gọi Ấn - Hồi đoàn kết nhưng ông đều thất bại. Do sự chia rẻ này mà ông bị nhóm quá khích hạ sát ông. Tuy ông mất nhưng LÒNG YÊU THƯƠNG dân tộc không bao giờ mất.
Ông mất đi nhưng LÒNG YÊU THƯƠNG dân tộc ông, tổ quốc ông và những người cai trị làm hại ông và đồng bào dân tộc ông. LÒNG YÊU THƯƠNG ấy vẫn mãi mãi đi vào lòng người.
“Ngày thứ 21 đúng 12 giờ trưa, ông gọi bạn hữu, đồ đệ lại bên giường, yêu cầu đọc cho nghe một đoạn kinh Coran, một bản thánh ca và vài bài kinh khác. Nghe xong, ông cất giọng khuyên nhủ mọi người rồi bước vào nhà giam, nhưng các đồng chí cứ tiếp tục cuộc hành trình. Một nhà nữ cách mạng cầm đầu 2.500 người ra lệnh khởi hành. Bà dặn là cả bọn là sẽ bị đánh đập tàn nhẫn, nhưng đừng kháng cự. Mọi người tuân lệnh bà. Cả đoàn lầm lũi tiến tới những nơi nấu muối của chính phủ có 4000 lính cảnh sát bảo vệ. Lính giang tay thước và báng súng lên đầu, lên lưng họ. Họ không kêu, không đỡ, cứ im lặng cho đánh, hết tốp này tới tốp khác, tiến lên cho mà đánh, sau lính sợ, không dám đánh nữa rốt cuộc có hai người chết và 320 người bị thương.
Từ lúc đó Ấn độ đã dành được tự do rồi. Người Ấn đã tỏ cho thế giới thấy sự dã man của phương Tây, thấy tinh thần bất khuất của phương Đông và súng ống của Anh vô hiệu lực trước tinh thần hy sinh đó.
Sau vụ đó chính phủ Anh phải thả ông ra, công nhận nguyên tắc độc lập của Ấn, bãi bỏ thuế muối và tổ chức hội nghị bàn tròn thứ nhì ở Luân Đôn, cho các đại biểu quốc hội được tham gia.
Hội nghị lần này đã thất bại, cũng vì lẽ người Anh chưa chịu, bày mưu mô chia rẽ Ấn - Hồi làm cho hai bên khó thoả thuận với nhau được.
Nhưng nhờ lần ông qua Anh đó mà dân chúng Anh hiểu ông thêm, trọng ông thêm và có thêm cảm tình với dân tộc Ấn. Khi hay tin ông được vua và hoàng hậu Anh mời tới hoàng cung dùng trà. Cả nước Anh xôn xao chờ đợi xem ông ăn mặc ra sao. Thì cũng vẫn là chiếc phá, một chiếc khăn choàng, một đôi dép, với một cái đồng hồ lủng lẳng ở đầu một sợi dây cột vô thắt lưng. Có người hỏi: “Ông ăn mặc như vậy, không thấy lạnh sao?”. Ông cười đáp: “Nhà vua mặc nhiều áo như vậy, đủ ấm lây sang tôi rồi”.
Ông vui vẻ niềm nở với mọi người đùa giỡn với con nít Anh, xin phép công an cho hai viên thám tử hộ vệ ông qua Ý chơi với ông trước khi về Ấn, giám đốc công an hỏi ông vì lẽ gì, ông đáp: “Vì tôi coi họ như người trong gia đình tôi”.
Hết thảy các danh nhân ông đều ngưỡng mộ ông, báo chí đua nhau kể những chuyện kỳ thú về ông. Duy có mỗi một người Anh ghét ông, là Winston Churchill. Churchill có óc quá bảo thủ, suốt đời chỉ ôm ấp cái mộng bảo toàn đế quốc Anh, nên dùng ông, có phần như sợ ông nữa, mà không làm gì nổi ông.
Hội nghị bàn tròn thất bại. Người Anh một mặt đàn áp các nhà cách mạng. Một mặt đặt ra chế độ bầu cử riêng biệt để xúi người Hồi chống người Ấn.Ông tuyệt thực. Người Hồi vì trọng ông, tự ý xin rút bỏ chế độ bầu riêng. Thế là hành động của Anh thất bại.
Khi đại chiến thứ nhì nổ, ông tự nghĩ không nên thừa cơ Anh lâm nguy mà trả thù, nên long trọng hứa với phó vương Anh là sẽ không gây rối cho Anh ở Ấn, nhưng không cam đoan rằng sẽ xông vào vòng chiến đấu nếu lãnh thổ Ấn bị đe dọa. Đảng quốc hội Ấn cũng đợi cho Anh, Mỹ, Pháp bỏ chính sách đế quốc đi đã rồi mới chịu cho Ấn đứng vào hàng ngũ đồng minh.
Nhưng lúc đó Churchill đương làm thủ tướng Anh, chống lại nguyện vọng đó, bảo không khi nào chịu chính tay mình làm tan rã đế quốc Anh.
Pháp bị chiếm ở Âu, rồi tới Anh, Mỹ đại bại ở Thái Bình Dương. Tướng quốc xã Rommel vào tới cửa ngõ Ai Cập. Nhiều quan sát viên quân sự lo ngại quân đội Đức sẽ gặp nhau trên đất Ấn. Một phái quá khích do Chandra bose làm thủ lãnh, đã hợp tác với Nhật.
Mỹ và Trung Hoa thấy tình hình nguy ngập, khuyên Churchill nhượng bộ ít nhiều để dân tộc Ấn đứng vào phe tự do. Churchill bắt đắc dĩ phải nghe, phái Stafford Cripps qua Ấn thăm dò ý kiến. Gandhi coi xong chương trình của Cripps, bảo:
Nếu chỉ có vậy thôi thì ông nên đáp máy bay về Anh ngay tối nay đi, ở lại cũng vô ích.
Nhận làm sao được một chương trình của nước Ấn làm nhiều nước nhỏ: một nước của Ấn, một nước của Hồi, một nước của người Sikh, một nước của tiểu vương do Anh giật dây...
Năm 1942 quân đội Nhật đã tiến đến sát biên thuỳ Ấn mà thái độ chính phủ Anh vẫn chưa có gì thay đổi, Đảng quốc hội bắt đắc dĩ phải phát động một phong trào bất hợp tác và tuyên bố sẽ dùng đến võ khí, nếu cần. Tức thì Gandhi và Nerhu bị bắt giam. Dân chúng nổi loạn lên, đốt phá công sở, đường dây thép, đường xe lửa, hành hung người Anh. Các đảng cách mạng ngấm ngầm tổ chức cuộc kháng chiến.
Ở trong khám Gandhi tuyệt thực 21 ngày để phản kháng sự độc tài của Anh. Anh vẫn không thay đổi thái độ, nhưng ít lâu sau, thấy ông yếu quá. Trả tự do cho ông. Lần đó là lần chót ông bị nhốt trong ngục của người Anh. Tính ra ông đã sống 2.089 ngày trong các nhà khám ở Ấn và 249 ngày trong các nhà khám ở Nam Phi.
Đại chiến thứ nhì kết liễu. Dân chúng Anh mời Churchill rút lui. Để Attlee một nhân vật đảng Lao động lên thay, hầu thoát được nạn độc tài cần thiết trong chiến tranh mà tai hại thời bình. Do đó chính sách Anh đối với Ấn cũng thay đổi.
Một phái đoàn được gởi qua Ấn. Phái đoàn có thiện chí trả lại tự do cho Ấn nhưng bị chia rẽ trong mấy thế kỷ vì chánh sách hiểm độc của Anh. Dân tộc Ấn khó thống nhất được. Liên đoàn Hồi giáo nhất định đòi chia Ấn ra làm hai, một của Ấn và một của Hồi. Yinnah người cầm đầu liên đoàn Hồi giáo và Nerhu chống nhau. Ấn và Hồi giết nhau trên khắp cõi. Gandhi thân hành tới từng nơi để giàn xếp. Lúc đó ông đã 77 tuổi, mà vẫn phải đi lang thang trong những làng xóm bỏ hoang và cháy dở, để đau lòng mục kích những cảnh tương tàn của đồng bào, cảnh đổ nát của xứ sở. Người ra hô hào nhau đem máu để rữa máu thì ông kêu lên, “tôi sẽ ở đây một năm và nếu cần, đến khi tôi chết để dập tắt nổi oán thù này”, ông làm việc hai mươi giờ một ngày không tiếc gì tấm thân tàn nữa. Ông một mình tiến vào những chỗ nguy hiểm vì trong số hàng vạn hàng ức người cuồng tín, đương căm thù, thiếu gì kẻ ức ông đã ngăn cấm sự trả thù mà muốn hại ông.
Rốt cuộc ông cũng vẫn thất bại: năm 1947, Ấn độ bị chia đôi thành Ấn và Hồi (tức Pakistan), mà Hồi có hai khu vực. Một ở đông một ở tây, giữa là Ấn. Ông đau xót vô cùng. Ngày lễ độc lập, Nerhu mời ông tới Delhi dự lễ; ông không tới, ở Calcutta tụng kinh và tuyệt thực. Ông tuyên bố : “Thế là ba mươi hai năm tranh đấu để đi tới một kết quả không vẻ vang chút nào cả”. Bạn có thấy đức độ cao cả, can đảm vô biên của ông không? Suốt đời tận tụy. Bảy mươi tám tuổi thất bại mà vẫn cứ hy sinh.
Hồi xưa thánh Francoisd d’Assise đương cuốc vườn thì có kẻ hỏi: “Nếu có người cho ông hay rằng ông sẽ chết hôm nay, trước khi mặt trời lặn, thì ông làm gì?” Thánh đáp: “tôi sẽ cuốc cho xong khu vườn của tôi” Gandhi cũng tiếp tục khu vườn của ông, mặc dầu biết rằng sẽ không sống được bao lâu nữa.
Nehru khi chịu cho Ấn chia hai là có ý muốn tránh nội chiến. Chính phủ Anh biết không thể giữ Ấn Độ được nữa cho nên có thái độ sống chết mặc bay. Gandhi phản đối, muốn để giải quyết lần lần các nổi khó khăn hầu thực hiện sự thống nhất: nhưng không ai nghe ông và đúng như lời ông tiên đoán, sự chia rẽ làm cho Ấn Độ điêu linh.
Sau khi chia rẽ những người Ấn ở trong khu vực Hồi và những người Hồi ở trong khu vực Ấn phải bỏ hết gia tài sản nghiệp, bồng bế nhau di cư về khu vực của mình. Ở lại thì sẽ bị tàn sát vì lòng oán thù của kẻ khác tôn giáo. Bạn đã được mục đích phần nào cảnh đau khổ của đồng bào di cư mấy năm trước. Ấy là mới có khoảng 800.000 người. Mà sự di cư đã được sắp đặt trước rồi. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng cuộc di cư của Ấn và Hồi năm 1947. Từng đoàn xe và người. Có đoàn dài cả trăm cây số đi hàng ngàn cây số trong nắng bụi, mưa và bùn, Trước sau có 15 triệu người bỏ nhà cửa để đi tìm bệnh tật, cảnh đói và cảnh chết, trên mặt người nào cũng có những nét đau thương và căm hờn. Họ chết như rạ ở giữa đường vì dịch tả vì lên đậu, vì đói khát. Có khi hai đoàn Ấn và Hồi gặp nhau và cuộc hổn chiến nổi lên dữ dội ghê gớm. Tiếng người khóc như di. Quạ, kên kên bay lượn từng đàn ở trên không, sà xuống mổ, rỉa những thây thể để lại trên đồng. Đâu đâu cũng là cảnh nhà cháy, đồng hoang. Trong lịch sử nhân loại có lẽ chưa có cuộc di cư nào thảm thương như vậy. Nhà cầm quyền Delhi cho lính ra ngoài châu thành Delhi cản đoàn di cư không được vô thành, sợ mất trật tự vệ sinh, nhưng họ cứ ùa vào, chiếm cứ các vườn hoa, đình chùa, cướp phá các cửa tiệm. Lúc đó con người trở về đời dã man, thời ăn lông ở lỗ.
Trước cảnh ấy Gandhi càng đau xót vì thấy mình bất lực. Ngày mùng 2 tháng 10 năm 1947, khắp thế giới gởi lời mừng lễ thọ 78 tuổi của ông. Ông chỉ thở dài.
Các ngài gởi những lời phân ưu cho tôi thì phải hơn. Tôi đau khổ quá... tôi không thể nào sống để nhìn cảnh chết chóc, sát hại nhau như thế này.
Nhưng ông vẫn hoạt động. Suốt ngày ông chạy khắp châu thành Calcutta an ủi các người di cư, quyên tiền mua mền, vãi gạo cho họ. Hễ nghe ở đâu có sự gây lộn giữa Ấn và Hồi là ông tới hoà giải. Người ta kể cho ông nghe những hành động dã man đến đứt ruột. Có kẻ nắm cẳng một đứa bé quay mấy vòng rồi quật đầu nó vào tường. Có kẻ lại cầm hai chân một đứa trẻ mà xé đôi ra. Một lần, một hàng Ấn bị người Hồi tấn công. Đàn bà con gái sợ quá, đứng nép vào nhau trên bờ một cái giếng sâu một người nhảy xuống, người khác nhảy theo. Trong bốn phút 73 người đàn bà chôn thây trong giếng. Nghe những chuyện đó ông thở dài: “cứ lấy oán trả oán thì Ấn độ sẽ tới cảnh diệt vong thôi”.
Nhiều người Ấn cuồng nhiệt, thấy ông hoà giải giận dữ cho là ông bênh vực người Hồi, muốn hại ông, ném gạch đá vào ông. Chính phủ sợ nguy đến tính mạng ông, cho lính hộ vệ, ông từ chối cứ một mình xông pha vào những đám đông phẩn uất, để làm dịu lòng căm hờn của họ xuống.
Ý ông muốn dẹp nổi oán ở Calcutta rồi sẽ đi Pakistan an ủi người Hồi, nhưng tới đâu năm 1948 mà tình hình ở Culutta vẫn chưa yên. Ông quyết định tuyệt thực để kêu gọi lương tâm của tất cả mọi người.
Lần này sức ông suy, mới ngày thứ ba mà ông đã sút đi mỗi ngày nữa kilô, rồi ông tiểu tiện không được. Ông nằm co quắp như một bào thai, mắt nhắm, nét mặt đau đớn, mình trùm một cái mền trắng. Quần chúng xúm đông trước nhà ông cầu nguyện cho ông. Các đoàn thể, các giáo phái gởi đại diện đến thăm ông. Họ họp nhau luôn năm ngày tìm một giải pháp nào có thể làm thoả lòng ông được.
Ngày 17 tháng giêng ông nôn khan, tình cảnh rất nguy ngập. Nehru thấy vậy, bưng mặt khóc. Hôm sau các nhà cầm quyền Ấn và các đại biểu mọi giới, mọi giáo phái ký giấy cam kết bồi thường cho những người Hồi bị tàn phá ở Calcutta một số tiền là 55.000.000 Ấn kim, bảo vệ tín mạng, tài sản của người Hồi, bảo đảm cho đền thờ của người Hồi khỏi bị tàn phá, cho người Hồi có thể làm ăn yên ổn.
Họ ký xong rồi đọc cho Gandhi nghe. Ông lộ vẻ vui mừng, bỏ tuyệt thực và cầu trời được sống thêm nhiều năm nữa để thực hiện xứ mạng sứ mạng hoà giải Hồi, Ấn trong khắp xứ, chứ không chỉ riêng trong khu vực Delhi, Calcutta.
Không ngờ chính vì tờ cam kết đó mà Gandhi gặp họa. Tổ chức R.S.S (Rashtriya Sevak Sangha) gồm những thanh niên bạo động cuồng nhiệt, bài trừ Hồi giáo, chỉ muốn diệt Hồi giáo để thống nhất quốc gia, bất mãn về khoản 550 triệu bồi thường cho người Hồi.
Hai ngày sau vụ tuyệt thực kể trên, Gandhi lại đàn để cầu nguyện. Đương lúc thuyết pháp thì có một tiếng nổ. Ông hỏi: “Cái gì thế” đáp: “chúng tôi cũng không rõ”. Quần chúng xôn xao. Ông bảo: “thôi đừng bận tâm vào cái đó. Nghe tôi đây!”
Tiếng nổ đó là một tiếng lựu đạn của một đảng viên RSS. Ném vào ông mà không trúng, tên y là Madan lai, ở Punjab di cư lại Delhi. Bị bắt y nói: “tôi đã thấy tận mắt tôi những người Ấn bị bắn ở Punjab...”.
Gandhi không trách y, bảo: “Đừng ai khinh thanh niên lầm đường lạc lối ấy, chắc anh ta cho tôi là kẻ thù của Ấn Độ, của Ấn giáo. Các đồng chí của anh ta nên khuyên anh ta đi. Bạo động không phải là phương sách để cứu vớt với Ấn Độ”. Rồi ông yêu cầu sở cảnh sát và môn đệ của ông đối đãi tử tế với Mandan lại.
Vụ ám sát đó hụt. Hôm sau lại xảy ra một vụ nữa. Lần này thì Naltrouram Vinayak Codse bắn trúng ông. Godse rất trọng ông, không oán gì ông hết, trước khi bắn, còn kính cẩn vái ông. Y cũng là một đảng viên R.S.S không muốn cho ông bên vực người Hồi, nên phải đau lòng mà hạ sát ông. Có Lẽ Gandhi muốn bênh vực người Hồi thật, mà như vậy là phải vì trên xứ Ấn, người Hồi là thiểu số.
Như bạn đã biết, tới phát súng thứ ba, Gandhi lẩm bẫm khẽ: ‘Trời ơi” rồi ngã gục xuống.
Hồi ông còn ở Nam phi có lần hay tin một người Ấn dọa giết ông, ông nói: “Ai mà không chết? Chết do tại một người bạn, đối với tôi, còn hơn là chết vì bệnh hay một cái gì khác”. Ngờ đâu ông đã linh cảm được cái chết của ông từ hồi đó.
Mà lời phê bình dưới đây của Tagore cũng đúng nữa. Có lẽ thánh Gandhi không thành công. Có lẽ Thánh sẽ thất bại như Thích Ca đã thất bại, như Giê Su đã thất bại, không diệt được lòng ác độc của loài người nhưng loài người luôn luôn nhớ tới Thánh vì Thánh đã đem đời mình ra làm một bài học cho muôn thế hệ về sau”.
Gandhi là một vị thánh thật sự suốt cuộc đời của ông đấu tranh cho LÒNG YÊU THƯƠNG, ông luôn luôn mang LÒNG YÊU THƯƠNG đến mọi người dù người đó là kẻ thù của quê hương ông dã man giết dân tộc ông bỏ tù và treo cổ ông, nhưng ông tha thứ và YÊU THƯƠNG cho đến khi bị bắn chết. Ông bị bắn chết là do mọi người chưa có LÒNG YÊU THƯƠNG, nếu mọi người có LÒNG YÊU THƯƠNG như ông thì làm sao ông bị giết. Cho nên Ông TAGORE nói rất đúng:“Có lẽ thánh Gandhi không thành công. Có lẽ Thánh sẽ thất bại như Thích ca đã thất bại, như Giesu đã thất bại, không diệt được lòng ác độc của loài người nhưng loài người luôn luôn nhớ tới Thánh vì Thánh đã đem đờimình ra làm một bài học cho muôn thế hệ về sau”. Tất cả những bậc Thánh luôn luôn muốn cho đời THƯƠNG YÊU NHAU, nhưng không ai diệt được lòng ác độc, nên các vị Thánh đành thất bại, nhưng trong sự thất bại của các Ngài lúc nào các Ngài cũng muốn dâng tặng LÒNG YÊU THƯƠNG cho tất cả.
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét