Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

CÂY BÚT MÁY

Câu chuyện cây bút máy là nói lên được bài học đạo đức mà cô giáo đã thực hiện LÒNG YÊU THƯƠNG của mình đối với học trò.
Biết rõ người học trò của mình ăn cắp cây bút máy của bạn. Cô muốn đem một bài học ĐỨC HẠNH LY THAM để dạy cho cả lớp mà cô là người chủ nhiệm của lớp học.
Cô không nỡ để cho cô bé học trò của mình mang tiếng đời đời là NGƯỜI ĂN CẮP. Cô biết danh dự của một con người sống trong xã hội rất quan trọng, vì thế cô không cho xét cặp chung cả lớp. Cô lờ qua chuyện đó và tiếp bài học rồi tan học. Cô gọi người học trò mất bút đến hỏi:
- Cây bút đó hiệu gì?
- Trò mua bao nhiêu tiền?
Sáng hôm sau vào giờ học, cô đưa cây bút máy lên cho các học sinh khác xem và bảo rằng:
- Cô đã nhặt được dưới ngạch cửa lớp xin trả lại cho trò mất cây bút.
Tuy cô giáo khéo léo đối với những học trò khác, nhưng trong số học trò có ba người biết cây bút đó:
Thứ nhất là cô giáo.
Thứ hai là cháu bé học trò ăn cắp cây bút.
Thứ ba là cháu học trò mất cây bút.
Hành động cô giáo dạy bài học đạo đức rất tuyệt vời mà chưa có trong chương trình giáo dục của Bộ Giáo Dục.
Chúng ta hãy đọc câu chuyện “CÂY BÚT MÁY” thì mới thấy lối giáo dục mới của một cô giáo biết thực hiện LÒNG YÊU THƯƠNG học trò.
“Ngày ấy, có được cây viết máy Hero của Trung Quốc là niềm mơ ước lớn lao của bất cứ đứa học trò nào. Cả khối lớp 7 trường tôi chỉ có khoảng năm đứa con nhà khá giả là có được diễm phúc ấy. Thế mà vào ngày sinh nhật của tôi, tôi lại được ba mẹ tặng cho một cái. Khỏi phải nói niềm sung sướng và kiêu hãnh của tôi khi mang cây viết đến lớp.
Khoảng một tuần sau - tôi còn nhớ hôm ấy là thứ bảy - ra chơi vào tôi rụng rời cả chân tay: cây viết của tôi đã không cánh mà bay. Cả lớp lập tức xôn xao, đứa bò xuống gầm bàn, đứa lục hộc bàn, ngăn cặp, đứa rũ tung sách vở của tôi xem cây viết có lẫn vào không. Tôi cũng máy móc làm theo đám bạn, mặc dù nhớ chắc chắn rằng trước khi ra khỏi lớp mình đã cất cây viết vào hộp. Đúng lúc đó thì cô Hoa bước vào lớp.
Sau khi nghe các tổ báo cáo tình hình xong, cô Hoa bảo tôi đứng lên kể chi tiết về sự việc cho cô nghe. Tôi hăm hở kể tất cả: nào là cây viết hiệu gì, màu gì, ai cho, thường hay để đâu, mất vào lúc nào... Thằng Kiệt nhanh nhẩu:
Cô cho xét cặp hết lớp mình là ra liền đó cô!
Cô Hoa hình như không nghe thấy lời nó:
Ra chơi hôm nay ai ở lại canh lớp?
Dạ, Thảo và Mai ạ.
Mai đứng lên:
Thưa cô, em định ở lại canh lớp với Thảo cho vui, nhưng Thảo nói em cứ ra ngoài sân chơi đi, để mình Thảo ở lại canh lớp được rồi.
Lập tức trong lớp nổi lên tiếng nhao nhao:
Xét cặp Hồng Thảo đi cô… Xét cặp Hồng Thảo đi cô…
Xung quanh tôi, đám bạn đang dồn mắt về phía Hồng Thảo, chỉ chờ cô ra lệnh là sẽ lục tung chiếc cặp kia ngay lập tức. Mà cô Hoa thì vẫn nổi tiếng là cô giáo nghiêm khắc nhất trường…
Mặt Hồng Thảo hết đỏ bừng lên rồi lại tái mét đi. Nó run rẩy lắp bắp:
Em không lấy đâu cô… Không phải em…
Thôi, các em, hết giờ rồi, sau tiết này cô còn bận họp giáo vụ. Thứ hai cô sẽ giải quyết tiếp - Cô Hoa đột ngột lên tiếng rồi bước ra cửa, nhanh đến nổi cả lớp ngơ ngác không kịp đứng dậy chào.
Sáng thứ hai, sau giờ chào cờ nhà trường cũng dành khoảng mười lăm phút cho cô giáo chủ nhiệm dặn dò lớp. Cô Hoa bước vào, gật đầu ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống:
Lớp mình tuần qua hạnh kiểm và học tập đều tốt, cô không cần nhắc nhở gì thêm. Còn về chuyện cây viết của Nga…
Cả lớp chăm chú nhìn cô. Tôi liếc sang Hồng Thảo, tay nó run run bám chặt lấy mép bàn.
...Hôm thứ bảy cô họp xong thì bác lao công có đưa cho cô một cây viết, bảo rằng bác nhặt được khi quét lớp mình. Có phải cây viết của em đây không?
Tôi nhìn vào tay cô. Nắp vàng… thân xanh… chữ Hero lấp lánh… Đúng là cây viết của tôi rồi.
Tôi vui sướng nói:
Thưa cô, đúng rồi. Em cảm ơn cô.

Em về chỗ đi. Lần sau nhớ giữ gìn dụng cụ học tập cẩn thận.

Cô đi rồi, tôi còn nghe trong lớp bàn tán:
May quá, không thì mất rồi.
Tội nghiệp, vậy mà cứ nghĩ cho Hồng Thảo.
Hôm ấy ra về lớp tôi lại ríu rít bên nhau, đám con gái cứ luôn miệng trò chuyện với Hồng Thảo như để bù lại sự lạnh nhạt hôm trước. Bất giác tôi thấy lòng mình vui vui và nhẹ nhỏm kỳ lạ.
Nhưng có một điều mà tôi biết, và cả Hồng Thảo cũng biết, là cây viết mà cô Hoa đưa cho tôi hôm ấy chỉ giống hệt, chứ không phải là cây viết của tôi. Ngay từ khi viết những dòng đầu tiên, tôi đã nhận ra điều đó.
Sau năm học lớp 7, tôi theo gia đình chuyển đi nơi khác. Bao nhiêu năm xa cách, không ngờ tôi và Hồng Thảo lại có dịp ngồi bên nhau. Nhắc lại chuyện xưa, Hồng Thảo mỉm cười:
Thế mà cho đến nay mình vẫn chưa nói được lời cảm ơn cô về chuyện ấy. Nga có thể tưởng tượng được không, mình đã định nghỉ học vì xấu hổ bởi hành động dại dột ấy.
Còn mình, mình cũng biết ơn cô đã dạy cho mình một cách ứng xử trong cuộc sống.
Ôi, sao mà chưa bao giờ như lúc này, tôi nhớ cô giáo của tôi đến thế!”.
Trên đây là một bài học đạo đức ứng xử LÒNG YÊU THƯƠNG ở đời mà cô giáo đã dạy, thật là tuyệt vời.
Chúng ta là con người thì hãy rèn luyện LÒNG YÊU THƯƠNG để ban tặng cho đời như cô giáo đã làm, nếu con người không có LÒNG YÊU THƯƠNG là con người mất nhân tính chỉ là con thú vật mà thôi sống chỉ biết thương mình mà chẳng biết thương người khác.
_______
Trưởng lão Thích Thông Lạc. Lòng Yêu Thương, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 2.
Link: https://mega.co.nz/#F!KBli1SJS!Tpz4YCnhtYJ8I21CPRt1bQ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét